Người xưa có câu “Sức khỏe là vàng” và sức khỏe được nhìn nhận như tài sản của con người và xã hội, hơn bất cứ của cải vật chất nào. Sức khỏe là yếu tố quan trọng đối với sự sống, nó ảnh hưởng đến đời sống và các hoạt động thường ngày của con người. Vậy sức khỏe là gì? Sức khỏe được phân thành mấy loại? Các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe và thế nào là một sức khỏe tốt. Hãy cùng TinTuc.Blog tìm hiểu thông qua bài viết sau đây nhé!

Sức khỏe là gì? Các biện pháp nâng cao sức khỏe toàn diện

Sức khỏe là gì?

Năm 1948, Tổ chức Y tế Thế giới đã định nghĩa rằng: “Sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần và xã hội và không chỉ bao gồm tình trạng không có bệnh hay thương tật”.

Theo khái niệm này “Khỏe mạnh không đơn thuần là không có bệnh, mà còn phải có một trạng thái tâm lý tốt, khả năng thích ứng xã hội cao.”

Tóm lại, sức khỏe là trạng thái mà con người cảm thấy thoải mái về cả thể chất, không có bệnh tật thương tật; một tinh thần, trạng thái tâm lý tốt và có khả năng thích ứng với xã hội cao.

Các thành tố của sức khỏe

Trên thực tế, một người có sức khỏe tốt phải đảm bảo sự ổn định và thoải mái bởi chính các thành tố cấu thành nó bao gồm Sức khỏe thể chất, Sức khỏe tinh thần và Sức khỏe xã hội.

Sức khỏe thể chất

Sức khỏe thể chất được thể hiện bằng sự sảng khoái và thoải mái về thể chất. Cơ thể càng sảng khoái, thoải mái, càng chứng tỏ là người khỏe mạnh.

Điều này được thể hiện thông qua: Sức lực (khả năng hoạt động cơ bắp mạnh); sự nhanh nhẹn (khả năng phản ứng nhanh); sự dẻo dai (làm việc hoặc hoạt động chân tay tương đối lâu và liên tục mà không cảm thấy mệt mỏi); sự đề kháng (khả năng chống đỡ được các yếu tố gây bệnh); khả năng chịu đựng được những điều kiện khắc nghiệt của môi trường như chịu nóng, lạnh, hay sự thay đổi đột ngột của thời tiết.

Sức khỏe tinh thần

Sức khỏe tinh thần là nguồn lực để sống khỏe mạnh, là nền tảng cho chất lượng cuộc sống, giúp cá nhân có thể ứng phó một cách tự tin và hiệu quả với mọi thử thách, nguy cơ trong cuộc sống.

Sức khỏe tinh thần bao gồm tâm lý và cảm xúc của một con người. Việc nhìn nhận sức khỏe tinh thần dựa vào nhận thức và trải nghiệm của từng cá nhân nên rất khó để chẩn đoán một người nào đó có sức khỏe tinh thần tốt hay không? Tuy nhiên, nếu người đó không cố tình che giấu thì có thể nhận biết một người có sức khỏe tinh thần như thế nào thông qua sự biểu hiện về tâm lý và cảm xúc của họ.

Ba thành tố của sức khỏe

Ảnh Ba thành tố của sức khỏe

Sức khỏe tinh thần được biểu hiện thông qua tâm lý như:

  • Nhận biết được những xung đột nội tâm và biết cách vượt qua những cảm xúc tiêu cực;
  • Luôn duy trì một lối sống tích cực, lạc quan, yêu đời;
  • Tự kiểm soát tốt, giữ cân bằng về lý trí và cảm xúc;
  • Có khả năng đương đầu với các khó khăn thử thách và cố gắng để giải quyết nó một cách hiệu quả.

Sức khỏe tinh thần còn được biểu hiện thông qua sự sảng khoái, ở cảm giác dễ chịu, cảm xúc vui tươi, thanh thản, không có lo âu, phiền muộn và đặc biệt ở việc biết biểu lộ cảm xúc một cách phù hợp mà không gây hại đến bản thân và người khác qua đó tránh được trạng thái kiệt sức cảm xúc.

Sức khỏe xã hội

Sức khỏe xã hội là sự hài hòa và hòa nhập giữa bản thân và các thành viên khác trong cộng đồng, xã hội nên đang sinh sống và làm việc. Sức khỏe xã hội được hình thành dựa trên việc giải quyết hài hòa giữa hoạt động và quyền lợi cá nhân với hoạt động và quyền lợi của xã hội, của những người khác; là sự hòa nhập giữa cá nhân, gia đình và xã hội.

Sức khỏe xã hội thể hiện ở sự thoải mái trong các mối quan hệ chằng chịt, phức tạp giữa các thành viên: Gia đình, nhà trường, bạn bè, xóm làng, nơi công cộng, cơ quan,... Nó thể hiện ở sự được tán thành và chấp nhận của xã hội. Càng hòa nhập với mọi người, được mọi người đồng cảm, yêu mến càng có sức khỏe xã hội tốt và ngược lại.

Trạng thái thứ 3 của sức khỏe

Bình thường khi đề cập đến sức khỏe, người ta thường nói rằng “sức khỏe tốt” hay “sức khỏe không tốt”. Tuy nhiên với sự phát triển ngày càng nhanh của thế giới, một trạng thái sức khỏe thứ 3 đã xuất hiện. Vậy trạng thái thứ 3 của sức khỏe là gì?

Theo điều tra toàn cầu của WHO cho thấy chỉ có 5% dân số là khỏe mạnh, 20% đang có bệnh tật và 75% còn lại thuộc trạng thái thứ ba.

Trạng thái này xuất hiện nhiều trong độ tuổi 20-45, là những người có tình trạng không khỏe cũng không ốm (chẳng hạn béo phì, rụng tóc, hói đầu, hói sớm, thường xuyên rối loạn tiêu hóa, khả năng làm việc giảm sút, giảm trí nhớ hay nhầm lẫn, khó kiềm chế cảm xúc và kém tập trung, làm việc không hiệu quả, dễ mất ngủ, dễ căng thẳng thần kinh, có thể hay khó chịu đau nhức mệt mỏi) nhưng khám không ra bệnh, tinh thần giảm sút, không có hứng thú trong cuộc sống, công việc, ngại giao tiếp, sợ đám đông.

Có đến hơn 70% dân số thuộc trạng thái thứ 3 của sức khỏe

Ảnh Có đến hơn 70% dân số thuộc trạng thái thứ 3 của sức khỏe

Các trạng thái trên có thể đang miêu tả dấu hiệu của bệnh trầm cảm, một loại bệnh phổ biến trong cuộc sống hiện nay.

Trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến biểu hiện qua các triệu chứng như: tâm trạng u uất, mất đi sự thích thú hoặc niềm vui, năng lượng hoạt động giảm sút, cảm thấy tội lỗi hoặc tự ti về bản thân, giấc ngủ hoặc khẩu vị bị xáo trộn, và khả năng tập trung kém. Trầm cảm biểu hiện ban đầu có thể là các triệu chứng lo âu, giảm khả năng làm việc và giảm duy trì các mối quan hệ hằng ngày thậm chí là dẫn đến tình trạng tự tử.

Các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe

Cơ thể con người chịu ảnh hưởng bởi yếu tố sinh học khi được sinh ra và dần lớn lên theo thời gian lại chịu sự ảnh hưởng của các yếu tố môi trường xung quanh. Do đó mà sức khỏe cũng sẽ bị thay đổi bởi tác động của những yếu tố này.

Yếu tố về di truyền

Khoa học đã chứng minh khi có sự biến đổi bất thường trong cấu trúc của những đoạn gen nào đó có thể gây ra những bệnh tật tương ứng. Mà gen lại là yếu tố mang tính di truyền nên chính vì thế đây cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe. Bên cạnh đó, gen lại là yếu tố khó có thể thay đổi bởi sự can thiệp của y học nên nếu trong gia đình bạn có tiền sử về các bệnh di truyền bởi gen bạn nên đi xét nghiệm để có các biện pháp phòng ngừa và can thiệp sớm (nếu có biện pháp) cho thế hệ mai sau của mình.

Yếu tố môi trường

Các yếu tố môi trường được nói ở đây bao gồm cả các yếu tố môi trường tự nhiên và cả yếu tố môi trường văn hóa xã hội.

Các yếu tố môi trường sống như nơi ở, không khí, nguồn nước, đất đai không tốt và các dịch bệnh có thể ảnh hưởng gây nguy hại đến sức khỏe, bệnh tật hoặc thậm chí tử vong cho con người.

Các yếu tố môi trường sống, làm việc: tình trạng khó khăn về nhà ở, nơi làm việc, trong gia đình và cộng đồng dễ dẫn đến những vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Yếu tố hành vi và lối sống của con người

Hành vi và lối sống không lành mạnh như uống rượu bia, hút thuốc lá, ăn các thực phẩm không đảm bảo an toàn và không có các biện pháp cải thiện và bảo vệ sức khỏe hợp lý được xem là nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy yếu sức khỏe và dẫn đến các bệnh tật trong tương lai.

Các biện pháp nâng cao sức khỏe toàn diện

  • Tập luyện thể dục thể thao là việc mỗi cá nhân cần làm nhằm duy trì thể chất và sức khỏe toàn diện. Việc dành ra tối thiểu 20-30 phút mỗi ngày để tập luyện, vận động cơ thể không những giúp bạn ngăn ngừa một số bệnh lý như ung thư, tim mạch, béo phì,... mà còn duy trì vóc dáng, giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan trong cuộc sống.
Tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe

Ảnh Tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe

  • Thiết lập một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, khoa học bằng cách hạn chế đồ ăn nhanh, uống rượu bia,... thay vào đó là bổ sung cho cơ thể các thực phẩm giàu đạm, ăn nhiều trái cây sẽ giúp cho bạn có hệ tiêu hoá khoẻ mạnh toàn diện. Bên cạnh việc ăn uống khoa học bạn cần bổ sung từ 1,5 -2 lít nước có tác dụng hỗ trợ cho tuần hoàn mạch máu và hệ tiêu hóa.
  • Ngủ đủ giấc là việc làm được xem nhẹ nhất trong cuộc sống hiện nay. Tuy nhiên, ngủ đủ giấc lại là cách chăm sóc sức khỏe đơn giản và hiệu quả trong việc chữa lành các vết thương, hồi phục tâm trạng góp phần giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và giữ cho tinh thần không bị stress, trầm cảm.
  • Ngoài ra, để chăm sóc sức khỏe tinh thần, điều đơn giản và dễ dàng nhất các bạn có thể làm đó chính là Thiền. Chỉ cần 30 phút thiền mỗi ngày sẽ đem lại những thay đổi đáng kể cho sức khỏe tinh thần của bạn.
  • Bên cạnh các biện pháp nhằm nâng cao sức khỏe kể trên, bạn cũng nên chăm sóc sức khỏe chủ động bằng cách khám sức khỏe định kỳ 1 - 2 lần/năm để sớm phát hiện ra các bệnh lý và điều trị kịp thời.

Có nhiều người đã cho rằng “có sức khỏe là có tất cả”, chính vì vậy sức khỏe gần như được coi là thứ quý giá nhất của mỗi người. Thông qua bài viết hy vọng bạn đã hiểu rõ hơn về các vấn đề liên quan đến sức khỏe cũng như các biện pháp nâng cao sức khỏe cho bản thân và gia đình. Để tìm hiểu thêm nhiều bài viết hay về các chủ đề trong cuộc sống, bạn có thể truy cập website TinTuc.Blog